1.Để bài viết rõ ràng hơn,tránh nhầm lẫn đáng tiếc do câu chữ,các bạn chịu khó viết bằng tiếng Việt.Tôi đã upload phần mềm Vietkey 2000,các bạnVÀO ĐÂYtải về máy nhé!
Do các bài viết của chúng ta đã khá nhiều,các bạn vào cũng đã thấy rối,vì vậy việc theo dõi bài không thuận tiện.Vì vậy,tôi đã di chuyển khá nhiều topic ko có phản hồi,các topic đã lâu ko có phản hồi...vào thùng rác,các bạn muốn tìm lại bài cũ mình đang theo dõi có thể tìm ở đó!
Của chứa nhiều mà không biết dùng thì thành ra kho oán.
Tiết Uyển
Câu chuyện về những hòn bi
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé xuẩn ngốc kia có được một túi đầy những viên bi đẹp tuyệt vời. Lúc này xuẩn ngốc rất tự đắc về những viên bi đó. Thật thế, “xuẩn ngốc” luôn nghĩ về nghĩ hòn bi đó nhưng lại không lấy nó ra chơi hay chia sẻ niềm vui có được những viên bi tuyệt đẹp đó với chúng bạn.
“Xuẩn ngốc” ngày ngày lôi những viên bi đó ra khỏi túi, ngồi đếm đi đếm lại, ngắm nghía rồi lại cất vào túi. Rốt cuộc, những viên bi đó chẳng bao giờ được sử dụng như công dụng vốn có của nó là dùng để chơi đùa với chúng bạn. Lúc nào “xuẩn ngốc” cũng kè kè túi bi bên mình.
Gần đấy có một cậu bé khôn ngoan, “khôn ngoan” ước ao có được một túi đựng đầy những viên bi. Chính vì thế nên “khôn ngoan” đã cố gắng làm việc thật chăm chỉ để kiếm tiền, và đầu tiên “khôn ngoan” mua một chiếc túi thật đẹp dùng để đựng những hòn bi. Ngay cả khi chưa dành dụm đủ tiền để mua bất kỳ một viên bi nào, “khôn ngoan” vẫn tin tưởng rằng mình sẽ có được một túi đầy những bi. “Khôn ngoan” giữ gìn cái túi thật cẩn thận và mơ rằng một ngày nào đó nó sẽ đầy những viên bi và cậu có thể đem ra chơi cùng chúng bạn.
Còn “xuẩn ngốc” thì ngày càng cảm thấy chán với công việc đếm bi nên không thèm ngó ngàng gì đến chiếc túi đựng bi của mình nữa. Rồi cũng đến một ngày chiếc túi bị thủng một lỗ dưới đáy mà “xuẩn ngốc” không hay biết. Thế là, ngày qua ngày một cách lặng lẽ những viên bi cứ rơi ra khỏi túi bi của “xuẩn ngốc”, từng viên, từng viên một.
Những viên bi bị rơi ra khỏi túi của “xuẩn ngốc” nằm lăn lóc trên mặt đất chẳng bao lâu được “khôn ngoan” tìm thấy. “Khôn ngoan” mừng rỡ nhặt chúng lên và cho vào cái túi đã dành sẵn. Chẳng mấy chốc, túi bi của “khôn ngoan” đầy lên và dĩ nhiên túi bi của “xuẩn ngốc” vơi đi.
Bây giờ thì khôn ngoan có thể lấy những viên bi đó và gọi chúng bạn đến cùng chia sẻ niềm vui được chơi bi. Và cậu cũng không quên giữ gìn túi bi một cách cẩn thận. Còn “xuẩn ngốc” tội nghiệp bởi vì quá ích kỉ và bất cẩn nên đã đánh rơi tất cả số bi của mình. Cuối cùng phải quăng luôn cả cái túi.
Ngày xưa có một cô gái sống trong rừng một mình. Một hôm cô đi lang thang thì gặp hai con chim non đang thoi thóp trong tổ vì mất mẹ. Cô liền đem chúng về nhà và nuôi trong một cái lồng thật đẹp. Hằng ngày cô chăm sóc chúng bằng cả tình thương của mình. Chẳng mấy chốc hai chú chim non ngày càng khỏe mạnh và xinh đẹp hơn. Hằng ngày chúng vui đùa cùng cô, hót cho cô nghe những giai điệu mượt mà.
Một hôm, cô gái quên đóng cửa lồng chim, tức thì một con bay ra ngoài nó bay vòng quanh cô như quyến luyến. Cô gái nhìn con chim lo lắng, khi nó bay đến gần, cô vươn tay giữ chặt nó, con chim khó nhọc thoi thóp trong tay cô. Bỗng cô gái cảm thấy con chim mềm nhũn trong tay mình, hoảng hồn nhìn lại thì con chim mà cô quý mến đã nhắm mắt. Cô gái buồn bã nhìn con chim còn lại trong lòng, cô chợt nghĩ nó phải được bay lên bầu trời xanh thẳm tự do. Cô tiến lại lồng và mở cửa thả con chim còn lại ra.
Con chim bay một vòng hai vòng, ba vòng rồi nhiều vòng như quyến luyến và muốn cảm ơn cô gái . Cô dịu dàng nhìn theo, bỗng con chim đậu nhẹ nhàng lên vai cô và cất tiếng hót cao vút những giai điệu mà cô chưa từng được nghe trước đó.
Cô gái bỗng nhận ra rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là bóp chặt lấy nó, còn muốn giữ mãi tình yêu thì hãy chấp cho nó đôi cánh tự do.
Trong đời sống hằng ngày trong khi giao tiếp với đồng loại, người ta cần phải dùng đến trí, nhưng ta sẽ ít lầm lỗi hơn nếu ta biết nghe tiếng nói của lòng ta.
Lecompte du Nouy
Những món quà vô giá
.
Món quà của sự lắng nghe. Nhưng chỉ khi bạn thật sự lắng nghe, không ngắt lời, không hay mơ mộng, cũng không suy nghĩ đến câu trả lời. Chỉ lắng nghe.
Món quà của sự yêu thích. Hãy rộng lòng với những cái ôm, những nụ hôn, những cái vỗ vai, những cái níu tay. Hãy để những hành động nhỏ bé ấy chứng minh tình cảm mà bạn dành cho gia đình và bè bạn của mình.
Món quà của tiếng cười. Hãy sẻ chia những đoạn phim hoạt hình, những mẩu chuyện vui. Món quà này sẽ thay bạn nói lên rằng “Tôi thích được cười đùa cùng bạn”.
Món quà của những mảnh giấy ghi chú. Đó có thể đơn giản chỉ là một dòng chữ “Cảm ơn vì đã giúp đỡ” hoặc cũng có thể là cả một bài thơ trữ tình. Một dòng chữ viết tay ngắn ngủi có thể sẽ được nhớ đến suốt đời hoặc thậm chí là làm thay đổi cuộc sống của một con người.
Món quà của lời khen tặng. Một lời nói ngắn gọn, giản đơn nhưng hết sức chân thành, đại loại như “Bạn trông thật tuyệt với bộ váy đỏ này”, “Bạn làm việc tốt lắm” hay “Thật là một bữa ăn ngon” có thể tạo nên niềm vui trong suốt một ngày đối với người khác.
Món quà của lòng nhân ái. Mỗi ngày, hãy làm một điều gì đó không nằm trong kế hoạch định sẵn của bạn.
Món quà của sự tĩnh mịch. Đó là những khoảnh khắc mà ta chỉ muốn được ở một mình. Hãy hết sức nhạy cảm cùng những thời khắc này, và trao món quà của sự tĩnh lặng đến với những người khác đúng lúc.
Món quà của sự tri ân. Cách dễ dàng nhất để trao một lời nói chân thành đến ai đó, không quá khó như bạn vẫn nghĩ; chỉ cần đơn giản nói “Xin chào” hoặc “Cảm ơn!”.
Có hai bộ lạc là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Một sống ở vùng đồng bằng và một ở trên núi cao. Một hôm, những người ở núi cao đột ngột đổ xuống tấn công bộ lạc ở đồng bằng. Họ không chỉ cướp bóc của cải, lương thực mà còn bắt một đứa bé 3 tuổi mang về.
Những người sống ở đồng bằng không biết cách vượt qua những ngọn núi cao để tìm ra nơi kẻ thù đang sống. Họ cũng không thể lần theo dấu vết của đối phương. Tuy nhiên, bộ lạc cũng cử một đội gồm những chiến binh xuất sắc nhất đi tìm đứa bé mang về.
Những người đàn ông đã thử hết cách này đến cách khác, tìm hết lối đi này đến lối đi khác, nhưng sau nhiều ngày nỗ lực hết sức họ cũng chỉ leo lên được lưng chừng ngọn núi hiểm trở. Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, họ đành bỏ cuộc và quyết định quay về. Khi đang thu dọn đồ đạc, họ kinh ngạc thấy người mẹ trẻ mất con đang từ phía đỉnh núi cao băng xuống. Và họ như không tin vào mắt mình khi thấy đứa bé bị bắt cóc đang được người mẹ cõng trên lưng. Làm sao mà điều đó có thể xảy ra?
Những chiến binh đón chào người mẹ trẻ và hỏi: “Dù đã cố hết sức chúng tôi vẫn không thể vượt lên được ngọn núi này. Làm cách nào mà cô làm được điều đó trong khi chúng tôi - những người đàn ông mạnh mẽ và có khả năng nhất của bộ tộc - đã không thể?”. Người mẹ trẻ nhún vai đáp: “Đứa bé không phải là con của các anh!”.
Một người đàn ông dừng lại trước cửa hàng bán hoa để đặt mua hoa và gởi điện hoa về cho mẹ, người đang sống cách anh 200 dặm. Khi bước ra khỏi ôtô, anh chú ý đến một bé gái đang ngồi khóc nức nở.
Anh đến để hỏi xem có điều gì không ổn và bé gái trả lời: “Con muốn mua tặng một bông hồng đỏ cho mẹ. Nhưng con chỉ có bảy mươi lăm xu, mà một bông hồng giá tới hai đô la lận”
Người đàn ông mỉm cười rồi nói: “Lại đây nào, chú sẽ mua cho con một bông hồng”. Anh mua cho bé gái một bông hồng và đặt hoa gởi tặng mẹ anh. Khi họ chuẩn bị đi, anh đề nghị được đưa cô bé về nhà. Bé gái trả lời: “Vâng ạ. Chú có thể dẫn cháu đến gặp mẹ cháu”. Cô bé chỉ đường cho anh tới một nghĩa trang rồi cô đặt bông hồng lên trên một phần mộ mới xây.
Người đàn ông quay lại tiệm hoa, hủy bỏ dịch vụ điện hoa, rồi cầm bó hoa và lái xe hơn 200 dặm để về nhà tặng mẹ anh.
Nhân đức làm cho con người đáng yêu trong cuộc sống và đáng nhớ sau khi chết
Gra-Xi-An
Hãy thắp lên một que diêm
Một bữa tối tại vận động trường Los Angeles, Mỹ, một diễn giả nồi tiếng - ông John Keller, được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói : - Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này. Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong boáng tối âm u. Ông John Keller nói tiếp: - Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to "Đã thấy!". Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: "Đã thấy!". Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích: - Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy. Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt. Một giọng nói vang lên : - Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên ! Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng. Ông John Keller kết luận : - Tất cả chúng ta cùng hợp lực nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung không tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh. Cách tốt nhất để xây dựng hoà bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và cái ác.
Muốn hạnh phúc suốt đời thì hãy là một người trung thực.
T. Phunle
Tham vọng và hạnh phúc
Trong cuộc sống, đừng để công việc và những ham muốn cuốn mình đi. Hãy tìm những niềm vui bình dị để có được cảm giác hạnh phúc cho mình.
Có vị hoàng đế nọ muốn ban trọng ân cho một cận thần. Nhà vua phán: "Người hãy phóng ngựa đi tới nơi nào người dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi". Viên cận thần ra đi, cố sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Ông ta đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất.
Một ngày kia, vì đói và mệt, viên cận thần kiệt sức lả đi một mình trong rừng. Lúc này, ông ta mới hối hận: "Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai để làm gì, trong khi chết rồi ta chỉ cần có một thước đất để được chôn cất mà thôi!".
Con người luôn gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức xao lãng sức khỏe, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bạn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có suy nghĩ là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực của mình.
Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những cố gắng đó là vô nghĩa lý. Lúc đó, không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta mới thấy mình đã bỏ mất dịp tận hưởng những niềm vui, hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính.
Tình bạn làm niềm vui tăng lên gấp đôi và nỗi khổ giảm đi một nửa.
Ph. Bêcơn
Cánh đồng của những niềm vui
Thỉnh thoảng trên đường đời sẽ có người bạn đến với ta. Người ấy sẽ hiểu bên trong tâm hồn bạn - dù chỉ là những điều rất nhỏ...
Họ sẽ hiểu tất cả những thẳm sâu trong tâm hồn và những gì "làm" nên bạn. Họ sẽ tiếp tục yêu quý bạn mà không cần biết những gì bạn đã làm.
Họ sẽ dám "khám phá" tâm hồn bạn - điều mà những người khác không dám, và chẳng bao lâu họ là một phần của bạn và bạn sẽ rất yêu quý họ. Họ cho bạn nụ cười và chia sẻ với bạn niềm vui, họ giúp bạn đi qua cuộc sống này mà không để tâm những gì bạn đã làm hay đã nói và cũng chẳng bao giờ chống lại những điều ấy.
Thỉnh thoảng khi những những chuyện không vui đến với bạn, bạn khóc. Họ sẽ đến và vui chơi với bạn, chỉ như những người trẻ tuổi. Chỉ đơn giản là bạn có một "đồng đội" sẽ cùng băng qua cánh đồng của những niềm vui... Họ thật thân thiện và trung thành và sẽ không bao giờ cố phản bội...
Con người thiếu vẻ đẹp tinh thần, chỉ là con số không hơn không kém.
A. Tsêkhốp
Bài học từ những người nghèo khổ
Một ngày kia, một người bố cùng gia đình giàu có của ông ta dẫn đứa con trai mình đi du lịch đến một đất nước với mục đích là cho con trai mình thấy, ở nơi đó người ta sống nghèo khổ ra sao.
Họ ở một ngày một đêm trong nông trại của một gia đình rất nghèo khổ. Khi kết thúc chuyến đi, người bố hỏi con mình: "Con thấy chuyến đi như thế nào?"
"Rất tốt, thưa bố!"
Ngạc nhiên trước câu trả lời của đứa con, người bố hỏi lại: "Con có nhìn thấy những người sống ở đó nghèo khổ đến thế nào không?"
"Vâng, có!"
"Vậy con đã học được những gì?"
Cậu con trai trả lời: "Con nhìn thấy chúng ta nuôi một con chó, họ có bốn con. Chúng ta có một cái hồ rộng đến giữa khu vườn, họ có một dòng suối nhỏ không có nơi kết thúc. Chúng ta có những bóng đèn thắp sáng khu vườn, họ có những vì sao. Sân trong nhà chúng ta kéo dài ra tận đến sân trước, họ có cả một chân trời.
Khi cậu con trai dứt lời, người cha nín lặng - không nói được gì.
Cậu bé nói tiếp: "Cảm ơn bố đã cho con thấy họ nghèo khổ đến thế nào!"
Có phải sự thật là tất cả mọi thứ phụ thuộc vào cách bạn nhìn thấy chúng? Nếu bạn có tình yêu, bạn bè, gia đình, sức khoẻ, sự hài hước và một thái độ lạc quan hướng về cuộc sống, bạn đã có tất cả mọi thứ!
Bạn không thể mua bất cứ cái gì trong những điều này. Bạn có thể có tất cả những gì bạn muốn, nhưng nếu tinh thần bạn nghèo nàn thì bạn không có gì cả!
Làm chuyện gì phải nghĩ đến nhân tâm. Thắng trăm trận giặc không bằng chiếm đoạt được lòng người.
Fenélon
Những đồng xu
Những đồng xu lẻ đã làm thay đổi cuộc đời của hai người bạn. Chưa bao giờ những đồng xu lẻ lại trở nên có ý nghĩa đặc biệt như vậy.
Tôi và người bạn đồng hương học cùng đại học và trọ cùng phòng ký túc xá. Đều là thành viên đầu tiên của gia đình được bước chân vào đại học, chúng tôi là niềm tự hào của cha mẹ. Mỗi tháng, họ gửi cho chúng tôi một ít tiền để mua thực phẩm. Nhưng tháng đó, điện gửi tiền chưa đến.
Hôm đó là chủ nhật, mới ngày thứ năm đầu tháng mà hai đứa chỉ còn đúng một xu. Chúng tôi đến một trạm điện thoại, dùng nó để gọi cuộc gọi collect (người nhận cuộc gọi trả tiền) về nhà cách đó gần một ngàn cây số. Mẹ tôi bắt máy. Mẹ nói cha tôi bị bệnh và không làm việc được, vì vậy, không có cách nào gửi tiền cho tôi được. Mẹ xin lỗi tôi và nói rằng gia đình của bạn tôi cũng không khá hơn vì bà đã đến gặp họ. Họ trì hoãn thông báo cho chúng tôi vì hy vọng có thể tìm ra cách nào đó. Họ muốn tôi không nản chí vì chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm học. Tôi chỉ muốn bay về nhà ngay. Nhưng dù sao chúng tôi cũng đã dự định sẽ đi làm việc suốt mùa hè để kiếm tiền. Điểm học của tôi rất xuất sắc, chắc chắn học kỳ sau sẽ có học bổng.
Sau khi gác máy, chúng tôi nghe thấy tiếng lẻng xẻng và rất nhiều đồng xu rơi ra từ ống tiền của thùng điện thoại. Chúng tôi kinh ngạc và mừng rỡ còn tay thì cố ôm cho hết số tiền. Mấy sinh viên đi qua lại nghĩ chúng tôi làm trò hề. Chúng tôi bàn bạc có nên giữ tiền và xài không. Không có ai biết chuyện này, nhưng hai đứa biết là không thể làm thế được. Như vậy là không trung thực. Phải rất cố gắng, tôi gọi điện cho nhân viên tổng đài và nói chuyện gì đã xảy ra. Cô ấy nói rằng số tiền thuộc về công ty điện thoại, nên hãy bỏ lại vào chiếc máy. Chúng tôi làm như thế, hết lần này đến lần khác nhưng chiếc máy không nhận tiền nữa. Tôi phải gọi lại và kể rằng tiền xu cứ tiếp tục rơi ra. Cô ấy nói cô ấy không biết làm gì khác rồi đi hỏi người quản lý. Khi trở lại, cô ấy nói chúng tôi có thể giữ số tiền, vì công ty điện thoại chẳng khi nào lại cử một nhân viên đến tận ký túc xá chỉ để thu lại vài đôla.
Có cả thảy 7 đôla 20 xu, chúng tôi mua thức ăn ở cửa hàng gần đó và bắt đầu đi tìm việc làm ngay sau buổi học. Một chủ cửa hàng tạp hóa sau khi nghe chúng tôi kể lại câu chuyện đã nhận cả hai đứa vào làm ngay ngày hôm sau. Tiền làm thêm đủ để cho chúng tôi trong suốt học kỳ sau. Bạn tôi sau này trở thành luật sư, còn tôi tốt nghiệp kinh tế, rồi lập công ty mà bây giờ đã trở thành công ty cổ phần với vốn hàng triệu đô la. Những đứa con của tôi đã vào đại học, con cái bạn tôi cũng vậy.
Khi tốt nghiệp, bạn tôi và tôi viết thư cho công ty điện thoại, hỏi họ có muốn chúng tôi gửi lại số tiền đó không. Tổng giám đốc công ty điện thoại viết thư chúc mừng chúng tôi tốt nghiệp và nói rằng ông chưa bao giờ biết số tiền nào của công ty được sử dụng có ích hơn như thế! Tôi đã nghĩ về điều này suốt nhiều năm qua. Tôi tự hỏi có phải nhân viên tổng đài đã nhận ra giọng nói run run lo lắng của tôi nên có thể cô ấy đã cho cái máy không nhận tiền nữa hoặc có lẽ ông trời đã thương chúng tôi... Không biết chắc. Nhưng tôi đã luôn trả món nợ đó trong suốt đời mình, tôi luôn mong mình có thể giúp người khác nhiều như những đồng xu đó đã giúp tôi...
Xứ nào đẹp nhất ư? - Xin thưa, xứ mà người yêu của mình đang ở.
I. A. KRYLOV
Khi ta yêu
Khi người ấy đang có mặt ở đây mà bạn giả vờ thờ ơ rồi khi người ấy vắng mặt, bạn lại bắt đầu đi tìm kiếm. Lúc đó,bạn đã yêu...
Mặc dù xung quanh bạn có nhiều người luôn khiến cho bạn cười nhưng ánh mắt và sự chú ý của bạn chỉ luôn hướng về người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...
Mặc dù người ấy đã gọi điện về thông báo rằng máy bay hạ cánh an toàn nhưng không ai trả lời điện thoại. Bạn vẫn luôn chờ đợi cuộc gọi ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...
Bạn luôn thích thú với một email ngắn ngủn từ người ấy mà lờ đi những email thật dài của nhiều người khác. Lúc đó, bạn đã yêu...
Khi bạn thấy mình không thể xóa đi tất cả những mẩu tin trong Inbox hay trong Send Items chỉ bởi vì một email từ người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...
Khi bạn có một cặp vé đi xem phim, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là sẽ cùng đi với người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...
Bạn luôn tự nhủ rằng "người ấy chỉ là bạn thôi" nhưng bạn nhận ra mình không tránh khỏi sự thu hút của người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...
Khi bạn đọc những dòng chữ này, nếu ai có ai đó xuất hiện trong đầu bạn. Lúc đó, bạn đã yêu... và đã yêu người ấy...
Giá trị của mỗi người đều tuỳ thuộc vào lý tưởng của mình cao hay thấp.
P.HYMANS
Giá trị
Một nhà hùng biện nổi tiếng đã mở đầu buổi diển thuyết của mình bằng cách giơ tờ 20 đôla lên và hỏi hơn hai mươi người tham dự rằng “Ai muốn có tờ 20 đôla này?” và dĩ nhiên là có rất nhiều người giơ tay lên.
Ông nói: “Tôi sẽ đưa tờ 20 đôla này cho một người trong số các bạn nhưng đầu tiên tôi làm điều này đã”. Ông bắt đầu vò nát tờ 20 đôla đó và hỏi tiếp: “Còn ai muốn lấy tờ 20 đôla này nữa không?”. Vẫn có nhiều người giơ tay.
“Ðược, vậy nếu tôi làm như thế này thì sao?” Ông ném tờ 20 đôla xuống sàn, dùng giầy dẫm mạnh lên. Sau đó, ông nhặt nó lên. Bây giờ tờ 20 đôla đã nhàu nát và bẩn thỉu. “Nào giờ thì ai muốn có nó nữa?”, ông hỏi và vẫn có nhiều cánh tay đưa lên tuy ít đi so với ban đầu.
“Các bạn thân mến, các bạn vừa được học một bài học về giá trị. Dù tôi có làm gì với đồng tiền này thì các bạn vẫn cần nó vì giá trị của nó vẫn không hề giảm sút. Nó vẫn có giá là 20 đôla”.
"Khoẻ mạnh hay ốm yếu, thành công hay thất bại, đối với bạn bè, người thân, những người yêu mến bạn, bạn vẫn thật cần thiết. Giá trị của bạn là ở chính con người bạn. Bạn thật đặc biệt. Hãy luôn nhắc mình nhớ điều đó. Ðừng ngồi đếm những nỗi buồn mà hãy đếm xem bạn đã có bao nhiêu lần hạnh phúc.
“Chúng ta có thể bị đánh gục, bị vò xé, bị giày xéo trong bùn đen bởi những quyết định sai lầm, những tình huống “đen đủi” bất chợt hiện ra cản con đường khiến mình cảm thấy mình dường như chẳng có giá trị. Nhưng dù điều gì đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra... bạn hãy luôn nhớ rằng bản thân bạn thật đáng quý và giá trị ấy sẽ không bao giờ mất đi, "Và hãy giữ cho những giá trị đừng bao giờ mất đi bạn nhé”.
Thiếu phương pháp thì người tài cũng lỗi. Có phương pháp thì người tầm thường cũng làm được việc phi thường.
DESCARTES
Những hòn đá cuội
Trong một buổi nói chuyện với một nhóm các doanh nhân, một chuyên gia trình bày về cách sử dụng thời gian có hiệu quả. Đứng trước những người khá thành đạt trong cuộc sống, ông mỉm cười: “Sau đây là một câu hỏi trắc nghiệm”. Ông ta lấy từ gầm bàn một cái lọ rộng miệng cỡ 4 lít và một cái túi chứa những hòn đá cuội to bằng nắm tay. Ông lần lượt đặt từng hòn đá vào lọ cho đến khi không bỏ vào được nữa. “Cái lọ đã đầy chưa?” – ông hỏi.
“Đầy rồi” - mọi người đáp. “Thật không?” – ông lấy từ gầm bàn ra một túi sỏi nhỏ đổ từ từ vào lọ và lắc cho các hòn sỏi chen vào tất cả các khoảng trống giữa các hòn đá cuội. Ông nhoẻn miệng cười và hỏi: “Cái lọ đầy chưa?”
Lần này thì mọi người dường như bắt kịp ông. Ai đó trả lời: “Chắc là chưa”.
“Tốt!” – ông nói và lấy ra một túi cát đổ vào lọ và cát chen đầy vào các khoảng trống giữa những hòn đá cuội và hòn sỏi. Một lần nữa, ông hỏi: “Cái lọ đầy chưa?”
“Chưa” - mọi người nhao nhao. “Tốt” – ông lập lại và vớ lấy bình nước đổ vào lọ cho đến khi nước ngập đến miệng lọ. Ông ngước nhìn mọi người và hỏi: “Minh họa này nói lên điều gì?”.
Một nhà kinh doanh nhanh nhẩu đáp: “Vấn đề là cho dù kế hoạch làm việc của bạn có sít sao thế nào đi nữa, nếu cố gắng bạn luôn có thể làm thêm nhiều việc nữa!”
“Không phải” – ông đáp – “Đó không phải là vấn đề. Điều mà minh họa vừa rồi nói lên là nếu bạn không đặt những hòn đá cuội vào lọ trước, bạn sẽ không bao giờ còn có thể nhét chúng vào được nữa”.
Cái gì là những “hòn đá cuội” trong cuộc sống của bạn? Có thể là một dự án, một hoài bão mà bạn muốn thực hiện, thời gian với những người mà bạn thương yêu, học vấn của bạn, sức khỏe của bạn.. Nhưng nhớ đặt những “hòn đá cuội” đó vào lọ trước hoặc bạn sẽ không bao giờ nhét chúng vào được. Chúng ta luôn cố gắng làm thật nhiều việc trong khoảng thời gian giới hạn của mình. Nhưng điều quan trọng là những việc mà bạn đang làm có thật sự có ý nghĩa?
Thế thì tối nay hay sáng mai khi bạn suy ngẫm về câu chuyện này, hãy tự hỏi chính bản thân mình rằng điều gì là những “hòn đá cuội” trong cuộc sống của chính bạn và hãy đặt chúng vào trong lọ trước.
Phải cảm ơn ai đây, trái đất, vũ trụ hay thượng đế, ông trời và tổ tiên đã chọn nơi này cho ta có một đất nước quê hương mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, nhất là Hà Nội, nắng thì thật nắng, thu thì thật thu và mùa đông là niềm trữ tình đầy hoài niệm đời người, cả khi ta đang ở giữa làn gió tái tê thổi qua mái nhà ta hay ta lang bạt về miền nào hun hút chân trời góc bể...
Ngay từ hôm có sợi mưa lắc rắc báo tin mùa heo may cho con rươi xuất hiện, lúc có ngày lễ Toussaints, nay gọi là lễ Các Thánh vào tháng 10 âm lịch tức tháng 11 của lịch Grêgoa tứ Công Nguyên thông dụng, ta đã sửa soạn tâm hồn để đón thêm một mùa đông xếp lên thành tuổi, ta biết có người khắc khoải đợi chờ những ngày và những đêm kỳ lạ, nói như nhà thơ say Lưu Trọng Lư:
Yêu hết một mùa đông
Nhìn nhau mà chẳng nói...
Đàn sếu đã xếp hình mũi tên mải miết về phương nam gió ấm, ta không sếu, ta đợi bếp lửa hồng đêm ù ù những cây kim cắm vào da thịt để lật bắp ngô non nướng trong lòng bàn tay, rồi sáng ra, đi chọn lấy hàng phở quen thuộc, nóng bỏng lưỡi và cay giàn giụa lệ đời ngon ngọt sau đó đã có hàng cà phê thơm nức nơi ngã tư, có những hạt lá me vàng rơi rụng vào vai áo và có khi nó cũng biết uống cùng ta, nằm gọn trong chiếc tách màu nâu lìm lịm một vị đắng đê mê. Ta đang ăn mùa đông, uống mùa đông, ta giơ tay ra nhận lá thư từ trời gửi về màu đỏ lá bàng hay màu vàng cây cơm nguội, lá thư là tín sứ, là nhịp đàn thăng hoa trong không gian tìm người tri âm tri kỷ, chẳng thế sao những người trai người gái cứ tìm nhau vào dịp này để lồng hai chiếc nhẫn tân hôn trước bàn thờ đại diện cho thiên đàng.
Mùa đông đất Bắc, gió lang thang trên những cánh đồng đầy gốc rạ, trẻ bé nào tha thẩn đi tìm câu con công cống hay hái cây rau khúc về làm bữa bánh thơm thảo làng xa, vườn cải sớm đã vàng một loài hoa nắng màu hoàng yến có người con gái tùm hum chiếc khăn vuông vừa đi vừa làm cơn mưa nhỏ từ hai chiếc bình tưới gọi là ô doà, càng gió đôi má càng au đỏ như hai đoá hoa lựu được mùa, làm chết mắt anh trai làng thầm thương trộm nhớ đến các đấng thánh thần cũng chỉ đành tha tội mà thôi...
Thành phố nơi ta nương thân lại khác. Gió luẩn quẩn trên tầng mái cổ, ra đến Hồ Gươm thì mới có liễu đón và sóng chào. Mặt hồ xao động trong lặng lẽ, tóc xanh, cây mềm đung đưa như vạn cổ đã thường xanh và gió nghìn đời rong chơi không mệt mỏi làm một đối cực còn cực kia là nồng ấm đôi bàn tay xoắn xuýt vào nhau, đan cài muôn lời không thành tiếng...
Mùa đông Hà Nội, đến một cột đèn cũng thành kỷ niệm đời người, một tiếng rao khuya cũng rền vang tâm tưởng... thoáng qua một nỗi nhớ hanh vàng màu nắng mật ong, thoáng qua một mặt người soi nhẹ lướt lời tình có từ thuở ông Adam và bà Eva trong vườn địa đàng hồi hộp...
Con sông Hồng ngoài kia sau mùa lũ điên cuồng đã uể oải về xuôi có phần mệt mỏi như người đàn bà sau hôm sinh nở, nếu những con gió bấc có lồng lên quằn quại thì bóng cầu Thăng Long, Long Biên, Chương Dương cũng phải mai hay ngày kia mới xuôi được đến Thái Bình, cửa biển, đồng muối. Ba Lạt mà mùa này ở đấy cây rơm đã xuất hiện như cây nấm vàng mơ, hạt thóc đã rì rầm trong bao, trong cót, người đi lễ chuẩn bị bộ áo quần mới mua nơi chợ huyện, chợ tỉnh còn thơm hương vải thay cho tấm áo đẫm mồ hôi đồng muối chang chang 6 tháng trước...
Hồ Tây mênh mông, đúng là Dâm Đàm, là mù sương, là lụa dăng, hồi chuông thu không chẳng đủ sức để vượt qua ngàn con sóng, chỉ có sương cho tiếng gõ mạn thuyền của ngư dân đùng đục trầm buồn, khiến con chép vàng Hồ Tây ngơ ngẩn, có nên nghe? Chiều xuống nhanh, sương xuống (hay sương lên) còn nhanh hơn nữa, không ai có thể nhìn thấy con gọng vó, con nhện nước nào búng mình, tạo thành chiếc vòng sóng bé tẻo tèo teo... chỉ có mờ mờ như tấm ảnh thiếu sáng của người nghệ sĩ cố tình làm nó nhạt nhoà nói một ý thầm mộng mị mắt người xem, rằng mùa đông đã dâng đầy để ai cũng phải khát khao một không khí có ánh đèn trong căn phòng như chiếc tổ chim sực nức hơi ấm của chim mẹ ủ trứng, chim bố gù gù, chim con lích tích...
Có bước chân ai đi trong phố cổ, giữa hai bên phố nhà đã cửa đóng then cài, chỉ có ánh sáng lọt qua khe cửa, nằm chéo mặt đường như sợi chỉ dệt bằng kim tuyến, khiến người không nỡ bước qua rồi sững lại, rồi thành chiếc cây đóng rễ để lắng một khúc dương cầm có câu "ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" hay "xe chỉ luồn kim...".
Mùa đông Hà Nội, những triều đại vàng son đã đi qua, con rồng đá nơi sân điện Kính Thiên còn đó, tiếng súng thần công từ pháo đài làng Láng đã vang vào tai nó, Thăng Long không còn là đất "phi chiến địa", khỏi lửa đã tơi bời, bao nhiêu cây sấu, cây me ngả thân làm vật chướng ngại cho anh tự vệ nấp mình mà phóng bom ba càng... và cũng con rồng đá ấy không thể xuống hầm tránh bom B52, nhưng nó là bất tử, nó là hồn Thăng Long, hồn Hà Nội, vượt qua lửa bỏng để hồi sinh. Mùa đông năm 1947 ấy, vườn hoa vô danh gần toà án đã thành mộ liệt sĩ. Gió vi vút cầu hồn trên mái cây long não, mùa đông có vàng chút ít còn hồn người đã thành hồn nước non, chắc về nhận niềm cúi đầu mặc niệm trên đường Bắc Sơn vườn hồng tươi thắm mà mỗi mùa đông, rặng đào hoa sớm lại tỏ mở nỗi lòng tươi như tương lai. Mùa đông năm 1972 nữa, hơn 250 người hy sinh cùng Khâm Thiên vào đúng 24 giờ sau lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, hồi chuông thánh thiện còn chưa tắt hẳn thì tội ác đã hoành hành.
Lễ Thiên Chúa giáng sinh đã đến, nhà ai có bữa khuya đầy hoan lạc vị đời, nhà ai còn lận đận nơi xóm ô, hay ngõ nhỏ đang lo toan cho mùa đông mang cái tết về không phải long đong... Hình như mùa đông nói rằng con người cần xích lại gần lại bên nhau cho hơi ấm lan truyền, cho tâm tư giao hoà gắn bó, cho nỗi niềm được đầy vơi san sẻ cùng nhau. Đã lâu lắm không ai nhìn thấy bóng sâm cầm, nhưng cây bàng phố Quán Thánh, Tràng Thi, cây cơm nguội ở Bờ Hồ và Lý Thường Kiệt thì vẫn báo tin bằng lá đổ, và món ốc nóng quà đêm, mà cửa hàng khăn áo phố Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế cứ dăng mắc chờ được về với mọi hình hài...
Người bạn phía trời Nam chắc đang nhớ về gió liễu mà sương hồ Hà Nội, nhớ một ấm trà thơm quây quần trên sàn nhà rải chiếc thảm cói đơn sơ, không cần đến những chiếc ghế tân kỳ to đùng, cũng chẳng có ổ rơm êm như nhung, đung đưa như con tàu lướt sóng... Mùa đông Hà Nội là tình nhau trao đổi chứ không cần yến tiệc mới say nhau.
Người con gái ấy vừa lấy chồng, mùa đông này không nữa của tình ta. Người thiếu phụ ấy phải sang ngang lần nữa, người nhìn ta mà có một bầu trời sương mờ mù mịt ẩn chứa vào lời. Giá ta thành con sếu theo đàn về phương Nam nắng ấm, ta mang người theo, tìm cho người tổ mới có nắng ngọt và gió lành, vượt qua nỗi đông bắc tái tê... Mùa đông cứ thức lên hoài niệm... nhưng dù sao mùa đông này cũng vừa khép lại một nỗi niềm để mở ra một trang kỳ ảo mới: Thiên niên kỷ mới: Con người sẽ vượt qua được nhiều nỗi bi thương bước vào xuân hàm tiếu hoa đào. Gió mặc gió. Ta đi qua gió để tới mùa ấm áp. Và ta xếp mùa đông lại như xếp từng lá thư tình một thuở chẳng thể mờ phai, còn bây giờ, ta đi đến với muôn lòng đón đợi tiếng tri âm từ xung quanh toả ra và từ phương trời xa tít gửi về... Và ta xin nói với người: Mùa đông Hà Nội là của riêng ta và cũng của cả người đấy, tình ơi.../.
Tôi sinh vào một ngày tháng Ba, khi đất trời đậm hương sắc mùa Xuân. Sau những trận mưa xuân, cây cối xanh non mỡ màng. Những loài hoa rực rỡ đua nhau khoe sắc màu. Nhưng có sức hút nhất vẫn là hoa gạo. Những thân cây thô ráp, vững chãi tựa những chàng khổng lồ, những cành cây vươn thẳng lên trời cao bỗng đỏ rực hoa và hoa. Hoa gạo nở đỏ bên con đường tôi về quê, trên những cánh đồng lúa đang thì con gái. Hoa gạo làm cho đất trời mùa xuân như rộn vang bản nhạc của sắc màu rực rỡ.
Tháng Ba, yêu sao màu tím của hoa bìm bìm. Những dây bìm bìm mềm mại phủ một lớp xanh non trên mái quán nước bên đường. Những bông hoa bìm bìm làm cho mái lá ấy trở nên giống như một chiếc chăn hoa dịu êm, phơi trong nắng xuân. Ngày còn bé, mỗi buổi tập xe đạp, tôi và chị gái tôi thường ghé vào quán nước hoa bìm bìm ấy mua hai chiếc bánh rán vàng ươm, có những hạt vừng bé xíu rắc ngoài vỏ. Những chiếc bánh rán ngày ấy mới ngọt ngào làm sao!
Tháng Ba, yêu sao những bông hoa dại nhỏ xíu li ti trắng xoá trên cánh đồng. Những bông hoa bèo Tây nở tím bên bờ mương, cánh hoa mềm như được làm bằng voan, lặng lẽ khoe màu bên dòng sông nhỏ. Dòng sông ấy, gắn với cả một thời tuổi thơ nghèo khó của tôi. Tôi theo các anh, chị đi xúc cua. Khẽ khàng đưa chiếc rổ xảo xuống dưới một đám bèo, rung mạnh đám bèo rồi gạt chúng sang bên cạnh. Những chú cua đang ẩn náu trong đám bèo giật mình rơi xuống rổ, chúng tôi nhanh tay tóm gọn bỏ vào giỏ. Có lúc mải ngắm hoa bèo, cua nhanh chân trèo khỏi rổ trốn mất. Rời bờ sông, chúng tôi len lỏi bên những bờ lúa đi móc cua. Áp mặt sát bờ ruộng, mùi lá cỏ ngai ngái, tay khẽ luồn vào hang cua, rồi thật nhanh tóm được một con lôi ra bỏ vào giỏ. Nhưng cũng có con "ngoan cố", nép mình tận cuối hang, giơ hai càng ra cố thủ. Khi thấy tay người thò vào chúng ra sức cắp cho thật đau. Có lúc phải chịu cho chúng cắp để lôi ra, đau điếng. Bọn trẻ chúng tôi nghĩ ra một cách để khỏi bị đau là lấy một cái que nhỏ lừa chúng cắp vào que để lôi ra. Cũng có khi giật mình đánh thót vì thò vào hang thấy con gì mềm nhũn, rụt phắt tay ra kẻo vớ phải rắn thì khổ. Cứ đi một vòng mấy bờ ruộng quanh nhà là được lưng một giỏ, đủ một nồi canh thật ngọt cho cả nhà.
Những dòng mương là nơi chúng tôi chọn để cất vó tép trong những buổi sớm mai và vào lúc hoàng hôn. Rang cám thật thơm, trộn thật nhuyễn, cho vào một chiếc ống bơ nhỏ, treo bên sườn. Những chiếc vó nhỏ xinh làm bằng vải màn. Khẽ đặt từng chiếc vó xuống, ném vào đó một viên cám nhỏ. Đặt hết một lượt vài chục chiếc vó là lúc quay trở lại để cất vó. Chiếc vó cất lên khỏi mặt nước, nghe rõ tiếng tép nhẩy lao xao trên mặt vải màn. Khẽ nghiêng chiếc vó, hất nhẹ những con tép trong suốt như thuỷ tinh xuống chiếc rổ bên cạnh. Chiếc rổ đó phải có vài cành lá tre để ở bên trên để tép khỏi nhảy ra. Tiếng trái tim như nhảy nhót trong lồng ngực mỗi khi nhấc vó lên thấy hẳn một vài chú tôm to. Cũng có khi có chú cá chọi cờ mải ăn mồi bị mắc vó cùng lũ tôm, tép. Kéo từ lúc sáng sớm đến khi mặt trời lên cao là thu vó về. Mẹ nhặt sạch những cái bèo hoặc rơm rác lẫn vào tôm tép, rang lên. Đĩa tôm tép đỏ au ngon tuyệt. Ngày thơ bé, thỉnh thoảng chúng tôi mới được ăn một bữa thịt. Những cua, ốc, tôm, tép mà chúng tôi bắt được từ đồng, từ mương, từ sông đã góp phần cung cấp chất dinh dưỡng để chúng tôi lớn lên từng ngày.
Ngày mồng Tám tháng Ba, tôi thường cắt những bông hoa hồng nhung và trắng muốt thơm ngát trong vườn nhà tặng mẹ. Những hôm hoa nở nhiều quá, tôi thường cắt mang tới lớp, cắm vào chiếc cốc thuỷ tinh trên bàn giáo viên. Những bông hoa hồng ta toả hương ngát trong lớp học. Nhà tôi chỉ cách trường một quãng ngắn. Những hôm có giờ trống, bọn bạn trong lớp thường kéo về nhà tôi "đập phá". Đưa lấy sào chọc những quả táo còn sót lại trên cành. Đứa vắt vẻo trên cây sung, cây khế. Cả khu vườn lao xao tiếng cười nói, đùa nghịch. Những giờ học trống bây giờ, bọn trẻ chúi đầu cả vào quán cà phê Internet. Chúng làm gì có khu vườn nào để quậy phá…
Tháng Ba giờ đây có quá nhiều loài hoa mới, nhiều loài hoa tôi chẳng biết tên. Nhưng hương sắc của những tháng Ba xưa vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi, cùng những kỷ niệm thuở ấu thơ chẳng thể phai mờ…
Cứ vào ngưỡng từ tiết Lập xuân đến tiết Xuân phân tháng 3 hằng năm, thế nào cũng kéo dài những ngày mưa xuân giăng màn khắp vũ trụ cùng với lớp lớp hoa xoan rơi rụng đầy ngõ xóm. Đâu đó trong một vài khu vườn trong phố cũng lẻ tẻ vương vãi đôi cánh hoa trắng mỏng cùng những đám lá rơi rụng hướng về cội nguồn. Kể cũng "may" cho loài cây ấy, những tưởng không qua khỏi mùa đông khắc nghiệt bởi nó phải gồng mình lên mà chống đỡ với những đợt gió mùa đông bắc khô lạnh, đến nỗi trên mình nó không còn nổi một nhánh lá, trơ trụi ra những cành ngang dọc khẳng khiu vẽ lên nền trời u ám. Chẳng thế mà ở một vài nơi, người ta gọi nó là cây "sầu đông" - buồn vào mùa đông. Ấy thế mà chỉ cần bén chút hơi lơi lả của nàng xuân ướt át là nó như bừng tỉnh, lập tức đã thấy loe toe ở đầu cành những chúm lộc non mơn mởn - đó là thời kỳ "xoan chân chó" bởi nhìn xa, nom nó giống như những bàn chân chó giơ lên trời.
Thế rồi cũng rất nhanh, những chúm lộc non ấy đã kịp đón những hạt mưa xuân li ti, gời gợi để bật ra những nụ hoa trăng trắng, phảng phất sắc tím nhạt và khi đã khoe hết mình trong trời xuân lồng lộng ấy sẽ lộ ra những cánh trắng mỏng manh quyện hương thơm đậm sắc, nồng nàn quấn quýt lan toả khắp mặt đất, không gian. Cố nhà thơ Chế Lan Viên đã ngẫu nhiên mà thốt lên: "Tháng ba nở trắng hoa xoan/Sáng ra mặt đất lan toàn mùi hương..."
Ở vùng ngoại thành Hà Nội và các vùng lân cận hiện còn nhiều giống xoan như xoan trắng, xoan đào... đó là loài cây cùng với một vài loài cây khác đã gắn bó với đời sống của những người dân quê từ bao đời nay. Gỗ xoan ngâm làm nhà sẽ không lo bị mọt. Có nhà cẩn thận còn "đánh" dầu luyn cả bộ khung nhà gồm cột cái, cột con, quái giáng, câu đầu, đòn tay... làm cho bộ khung nhà trở nên bóng líu, nổi vân với nhiều hình thù khác nhau, khi tưởng tượng ra thật thích mắt. Nhà gỗ xoan ba gian thoáng mát giữa vườn xoan đung đưa mát rượt dưới nắng hè, trong ríu rít tiếng chim trời bỗng thấy lòng thanh thản sau buổi cấy, cày... Những cái gốc xoan loè xoè rễ chùm được xếp làm kệ đánh đống rơm rạ, cây ngô hoặc củi rều, vài ba năm sau dỡ ra bổ chẻ nhỏ nấu bánh chưng ngày tết, lửa thật đượm, than thật hồng. Rồi lại cọn lấy những miếng than lớn để dành làm than hoa, nướng ngô thơm biết mấy.
Cùng với những loại cây khác được trồng trong Tết trồng cây, cây xoan đã được trồng ở nhiều nơi, có mặt trên các đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã, đường ra đồng... Đến mùa hoa xoan nở là lại thấy một mùa sinh sôi mới với bao điều kỳ diệu của sự sống, càng tự tin hơn khi nguồn lực được bồi đắp bởi sinh khí tràn đầy hương vị chân chất, mộc mạc nhưng không kém phần tao nhã của hoa xoan.
Mọi năm, mùa xuân, mưa bụi dầm dề khắp nơi, mang theo mầm xanh bật ra từ những cành bàng xám ngoét. Năm nay, tháng Ba rồi mà vẫn chưa thấy mưa rào, chỉ có vài cơn mưa rươi ngắn ngủi...
Gió về đúng vào chập tối, khiến màn đêm xáo động. Kế hoạch trình diễn đã dự định của màn đêm đêm nay có nguy cơ đảo lộn. Bởi gió kèm áp thấp nhiệt đới về nhanh quá không thể trì hoãn được. Và kìa, gió đã bắt đầu chạm vào những ngọn cây hoa sưa trắng muốt (mà nhiều người chưa biết nên cứ nhầm là hoa sữa) trên đỉnh núi Nùng trong vườn Bách Thảo, rồi mơn man lùa vào những vòm sấu và xà cừ đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng gỡ những đám bụi bám từ nhiều ngày nay trên các phiến lá. Rồi cứ thế, gió thổi dọc những phố cổ phố cũ như Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Quán Thánh, Hàng Cân, Đồng Xuân, Hàng Đường... hất tung những cánh rèm che cửa giăng giăng nơi gác nhỏ. Không hẹn trước, gió cứ đi hoang trên các nóc nhà cao tầng khiến những cột ăng ten ti vi xoay xoay lật bật làm nhiễu kênh của nhiều gia đình sống trong tập thể. Rồi đột nhiên, gió rẽ xuống ùa vào giở soạt cuốn vở của cậu học trò đang ngái ngủ và chạy sang phòng bên vuốt nhẹ mái tóc của cô gái đang chơi đàn. Gió ùa về tới những hàng sấu già đường Trần Hưng Đạo, gió lang thang đi ngược đường Bà Triệu và muốn dừng lại ở Hồ Gươm. Gió lượn một vòng quanh gần trăm loài cây trên mép hồ, đủ cho hàng liễu góc Hàng Khay rung lên tất bật, còn cây gạo già cố tỏ ra vạm vỡ hiên ngang cũng khẽ rơi bộp một bông hoa gạo đỏ như để đánh thức tháng Ba. Gió mùa xua đi màn sương bàng bạc, nằng nặng cứ cố ủ lấy Tháp Rùa suốt ròng mấy tháng. Gió khẽ chạm vào Tháp bút rồi tiếp tục phiêu du với mặt nước Hồ Gươm nhiều ngày vẫn cứ im lìm. Mặt hồ Gươm đang lung linh trong ánh đèn màu chợt lăn tăn gợn sóng, rồi thi thoảng cuộn lên những lằn sóng táp vào bờ. Chỉ thế, rồi gió dịu đi, và hơi lạnh ở lại bắt đầu ngập tràn trong thành phố...
Nhanh thật. Đã là tháng Ba rồi. Gió rét lại về, đậu đều trên những hàng cây mái phố để tiếp tục rủ rê mầm xanh lộc biếc của muôn loài cây hoa trong lòng thành phố. Mấy hôm trước thấy nắng vàng phập phồng giống những nốt nhạc vương trên các con đường rợp bóng cây xanh cứ ngỡ cả Hà Nội đã chạm tới mùa hè. Nhưng nay, gió lại ùa về như là để kéo dài khoảnh khắc giao mùa cho những đôi lứa yêu nhau. Kéo dài sự nũng nịu lúng liếng trong màn đêm mưa bụi bên bếp ngô nướng phố Hàng Chai hay bát ốc luộc của cái quán ốc Hà thành điển hình: chỉ chừng hơn 1 mét vuông mà khách luôn xếp hàng chật ních chờ đến lượt ăn ở phố Đinh Liệt, gần rạp Chuông Vàng vang danh một thời. Gió về không quá bất chợt nhưng cũng khiến nhiều người trên phố giật mình về sự phong phanh của bộ đồ đang mặc, để khẽ so vai muốn níu tay bạn mình gần hơn, gần hơn nữa và tất nhiên, không thể đành lòng cho xe lướt qua quán nhỏ chỉ chờ đêm lạnh bán độc một món: bánh trôi Tàu, với vị gừng thơm và nóng nằm trên phố Hàng Điếu mà khi ngồi chênh chếch có thể ngắm chợ Hàng Da vàng sượm ánh đèn trong phất phơ mưa bụi...
Gió mùa về lại vào đêm... Ừ. Thôi, hãy cứ để cho cái lạnh đứng ngoài khuôn cửa. Ta hãy kéo rèm và khép cửa sổ lại để nghĩ tới sớm mai trở dậy, trời đã ngập tràn không khí lạnh. Khi ấy, chẳng biết cô gái ở làng hoa ngoại thành có còn nhớ lời hẹn bứt hoa loa kèn chúm chím hé cười mang lên cho người - đã - từng quen nơi ngã tư Bà Triệu vào sáng đầu tuần khi mùa hoa đã chạm ?...